MA TRẬN HƯỚNG NGHIỆP T.I.M CỦA TIM VŨ

Năm 18 tuổi, tôi như bao nhiêu bạn trẻ Việt Nam khác: KHÔNG BIẾT NÊN HỌC NGÀNH GÌ VÀ TRƯỜNG NÀO.

Đến khi tôi đi du học về, tôi muốn đổi ngành. Sở dĩ, ngành Dầu Khí của tôi đã quá tệ, và nó không đạt được mục tiêu NEW YOUNG của tôi nữa.

Và khi đó, tôi cũng phải định hướng nghề nghiệp lại từ đầu. Khi đó, tôi cũng như bao đứa em 18 tuổi khác.

Qua kinh nghiệm tự hướng nghiệp cho chính tôi và chia sẻ cho hàng trăm người em, tôi đã đúc kết được một ma trận 2×2 đơn giản để bất kỳ ai cũng có thể tự hướng nghiệp cho mình. Nó mổ xẻ một nhân tố bí ẩn mà ít ai quan tâm: MOBILITY (tính linh động)

MOBILITY – YẾU TỐ NGHỀ NGHIỆP QUAN TRỌNG ÍT AI NGỜ

Giá như lúc trước ai nói cho tôi cách định hướng sự nghiệp đúng ngay từ đầu khi tôi 18 tuổi. Không phải tôi muốn nói “giá như ngày trước không học Dầu Khí”, bởi vì vận mệnh và thời cuộc rất thiên biến vạn hóa không thể nói thế được. Tuy nhiên, tôi tin chắc với tư duy đúng đắn từ sớm, ta có thể có những bước đi vững chắc, nhẹ nhàng hơn trong độ tuổi đôi mươi của mình.

Có rất nhiều yếu tố tác động lên việc chọn trường và ngành học. Hãy nhớ lại khi bạn học lớp 12, có phải bạn thường có ưu tư sau?

–          Ngành này tiềm năng không? Ngành này nhiều việc làm? Ngành này dễ kiếm việc? Ngành này là xu hướng sắp tới không? Xã hội cần ngành này nhiều đến mức độ nào??

–          Ngành này hợp với mình không? Hợp với đam mê hay sở trưởng của mình không? Mình có theo đuổi ngành này lâu dài không

–          Ngành này làm nhiều tiền không? Ngành này công việc có ổn định không?

–          Trường nào dạy tốt ngành này? Họ có các lớp đặc biệt không? Trường này có nhiều học bổng không? Học trường này xong giúp mình đi du học như ước mơ không? Trường này các anh chị học xong kỹ năng mềm tốt không? Trường này năng động không?

–          Mình thi đủ điểm trường này với ngành này không?

–          Mình đủ học phí để theo đuổi ngành này, hay trường này hay không? Trường tư nhân hay công lập nào khác có ngành này?

–          Thứ hạng các nguyện vọng của mình nên là gì?

Nhưng bạn đã có bao giờ tử hỏi: ngành này tính LINH ĐỘNG (Mobility) có cao hay không chưa?

Tôi cá là chưa. Đó là lý do vì sao bạn, và tôi ngày trước chọn nghề chọn nghiệp đôi khi chưa tối ưu.

Để tôi giải thích cho bạn thế này. Sau khi áp dụng phân tích 20/80 tất cả các ngành nghề thì tôi nhận ra có 2 yếu tố (factor) khách quan của một ngành nghề sẽ 80% thành công dài hạn của bạn. Tạm thời bỏ qua yếu tố chủ quan là sở trường hay đam mê của bạn.

Yếu tố (factor) đầu tiên, tất nhiên là THU NHẬP TRUNG BÌNH của ngành nghề đó trong xã hội Việt Nam hiện tại, có thể là đi làm, hoặc tự doanh, hoặc kinh doanh.

Yếu tố thứ hai chính là: ĐỘ LINH ĐỘNG. (MOBILITY)

Thế Độ linh động của một ngành nghề là gì? Độ linh động thể hiện qua BỐN đặc điểm nhỏ sau. Để dễ hiểu, tôi lấy luôn ví dụ về 2 ngành nghề là IT (công nghệ thông tin) và kế toán:

1.   Ngành nghề khi học bạn tích lũy được nhiều kỹ năng linh hoạt (Transferable skill) để có thể LINH HOẠT thích ứng với ngành nghề khác khi cần.

Lý do: Như đã nói ở chương #3, dù bạn muốn hay không, dù bạn chịu chấp nhận hay không, thực tế xã hội và thị trường VIỆC LÀM (cái “nồi cơm” của bạn) biến đổi chóng mặt quá quá nhanh. Các CEO tài giỏi nhất cũng phải liên tục học tập suốt đời (life-long learning) để không bị đào thải.

Bạn bị quen với việc đề thi được thầy cô phải ra giống với đề cương ôn thi. Và bạn mong muốn khi tốt nghiệp, các công ty cũng “xài” bạn giống như kiến thức hay kỹ năng học ở Đại học.

KHÔNG BAO GIỜ CÓ CHUYỆN ĐÓ. Hay có thì <5% cái bạn được học sẽ được xài. Đừng mong đợi nhiều hơn. Hãy chấp nhận thực tế.

Thế học gì để học ít lương cao? Học gì để bền vững và không sợ thất nghiệp?

Cách an toàn là học ngành mà kỹ năng được học transferable skills để thích nghi nhanh với đa dạng ngành nghề. Cái bạn có thể làm tốt nhất là học nhanh những kỹ năng có thể giúp bạn nhảy sang ngành khác (transfer) dễ dàng.

Ví dụ:

Học lập trình, hoặc ít nhất là nắm vững về tư duy hệ thống (tư duy thuật toán) sẽ giúp bạn thích ứng nhanh các phần mềm và nền tảng công nghệ là xu thế của xã hội.

Kế toán thì hầu như bạn chỉ học với các con số, giấy tờ và luật lệ chi chít HAY THAY ĐỔI từ năm nay qua năm kia, từ quốc gia này qua quốc gia nọ và càng ngày thì các start-up phần mềm kế toán ra đời dần thay thế lượng lao động kế toán đang làm. Các kỹ năng kế toán thì do quá đặc thù và phụ thuộc kinh nghiệm thuần túy theo hoàn cảnh nên không thích ứng tốt khi chuyển đổi (Transfer) sang ngành khác.

2.   Khả năng thăng tiến phụ thuộc nhiều vào trí tuệ thực sự hơn là “số năm” kinh nghiệm, hay bằng cấp

Tôi có anh bạn tên L., KHÔNG CÓ BẰNG ĐẠI HỌC đi làm lập trình viên cho một công ty Singapore. Lương cứng 2000 USD ~ 50 triệu, vài tháng 1 lần thưởng 100 triệu. Công ty họ chẳng quan tâm bạn có bằng gì, hay học hết năm mấy Đại học. Họ cũng chẳng quan tâm lắm bạn đã có kinh nghiệm nhiều hay ít. Cái họ quan tâm duy nhất: Bạn tạo ra GIÁ TRỊ (trong chuỗi giá trị của họ), họ kiếm nhiều tiền và họ trả lại tiền cho bạn, tất nhiên là ít hơn so với giá trị bạn tạo ra trong chuỗi giá trị của họ. Trò chơi rất sòng phẳng. Họ dễ dàng đánh giá thực lực của bạn qua phần mềm Cloud(phần mềm trên điện toán đám mây) và/hoặc phỏng vấn Video Call. Tất nhiên, trong khi đó có nhiều bạn đã tốt nghiệp ngành IT ra trường VÀI năm vẫn đi code (lập trình) dạo và thu nhập 5-6 triệu/tháng

Tôi có một người chị tên X., đã đi làm kế toán 7 năm và lương vẫn 7 triệu. Rất hiếm có thưởng. Để làm được kế toán, bắt buộc phải có bằng. Theo tôi biết, trung bình có bằng Đại học mới ra trường lương trung bình 6 triệu, cao đẳng thì 5,5 triệu, trung cấp thì 5 triệu. Nếu bạn không chịu mức lương đó, có hàng nghìn kế toán thất nghiệp khác sẽ nhảy vào lấy phần của bạn. Khi phỏng vấn, các doanh nghiệp nhìn chi chít vào kinh nghiệm làm việc của bạn để đánh giá, vì họ rất sợ ai giữ tiền của họ, rất sợ ai làm cầu nối giữa họ với cơ quan thuế nhà nước. Bạn muốn thăng tiến, lên kế toán trưởng chẳng hạn, bạn phải mất 5-10 năm kinh nghiệm là trung bình. Vì đặc thù ngành nghề, bạn không thể nào “hack” nhanh “số năm” kinh nghiệm bằng chất xám được.  Và lương kế toán trưởng (nếu không phải đi rút tiền bất chính của công ty) thì cũng khá là khó để được 20 triệu/tháng. Đó là chưa nói mức độ hứng thú của công việc

Đối với IT, thu nhập dựa vào trí tuệ, dựa vào CHẤT LƯỢNG của kinh nghiệm, cái bạn KIỂM SOÁT được. Đối với Kế toán, thu nhập dựa vào cái bạn mà bạn SỐ LƯỢNG nỗ lực nhiều mà bạn KHÔNG kiểm soát được (số năm bằng cấp, số năm kinh nghiệm,…)

3.   Ngành nghề này bạn dễ dàng thay đổi từ một nhân viên để tự doanh (self-employed) nghĩa là tự làm thuê cho mình hay nhảy ra kinh doanh riêng. Sự dễ dàng xét về mức độ độ “chín” trong nghề, rào cản về chính trị/mối quan hệ, về vốn đầu tư kinh doanh,..

Nếu bạn đang đọc blog này, bạn là người chắc chắn có khát khao cầu tiến, chinh phục và thành công trong sự nghiệp của mình. Cho nên, dù bạn muốn hay không, dù bạn có chịu chấp nhận hay không nhưng chắc chắn sau khi đi làm được vài năm, bạn muốn làm riêng. Làm riêng nghĩa là bạn tự làm thuê cho mình hoặc kinh doanh thuê người về làm cho mình.

 “Sự nghiệp RIÊNG vững vàng” là cái bạn muốn đạt được nếu bạn muốn thăng tiến tiếp theo trên hành trình của mình. Đôi khi không phải là vì thu nhập (vì kinh doanh rất rất khó), nhưng là vì thỏa mãn ý chí tuổi trẻ để bạn không tiếc nuối khi lên tuổi 30, đặc biệt là những người đàn ông

Thế bạn nghĩ học kế toán hay IT thì dễ tự làm riêng hơn, hoặc kinh doanh hoặc làm Freelancer*? (Freelancer là kiểu làm việc tự do, ai thuê thì làm và trả lương theo giờ).

Ai sẽ dễ tự mở công ty làm hơn? Tính về rào cản vốn, các mối quan hệ xã hội và số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực?

Câu trả lời rất rõ ràng.

Tôi nói thêm: nếu bạn tin vào câu nói “Phi thương bất phú” thì rõ ràng TÍNH LINH ĐỘNG sẽ làm bạn dễ kinh doanh hơn, nên gián tiếp sẽ tăng THU NHẬP (yếu tố đầu tiên)

4.   Khả năng làm việc tại thời gian và không gian linh động

Thế trong trường hợp bạn tin rằng mình sẽ không bao giờ kinh doanh thì sao? Bạn có muốn mỗi ngày phải chạy xe máy đi làm đúng 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, cộng thêm 2 giờ đồng hồ ngửi khói bụi kẹt xe chiều đi chiều về nữa không? (trừ trường hợp bạn giàu quá nhanh và mua xe hơi!)

Càng ngày càng có nhiều vị trí công việc không yêu cầu đến văn phòng ngồi làm việc và thậm chí không yêu cầu thời gian bạn cố định làm việc. Họ chỉ quan tâm bạn làm đạt KPI (Key Performance Indicator – chỉ số đánh giá công việc) của bạn hay không thôi.

Bạn tính thử xem, nếu như bạn quê ở miền Trung, bạn được chọn lựa 2 vị trí làm việc A và B. Vị trí A là làm kế toán ở Sài Gòn hay Hà Nội, thu nhập 10 triệu. Vị trí B là lập trình thuần túy thu nhập 7 triệu và bạn làm tại nhà ở quê của bạn. Nếu không xét đến các yếu tố về độ yêu thích nghề, phát triển bản thân/sự nghiệp, độ ổn định của nghề,… thì bạn thấy rõ ràng là vị trí B tốt hơn hẳn. Thu nhập 7 triệu ở quê thì để dành có thể 5 triệu dù bạn ở ăn cơm ở nhà bố mẹ hay đi ở thuê. Ngược lại, ở các thành phố lớn thu nhập 10 triệu thì khó chắt chiu được 5 triệu lắm. Rõ ràng, thu nhập 7 triệu ở quê GIÁ TRỊ TƯƠNG ĐỐI cao hơn là 10 triệu ở thành phố lớn. Chưa kể ở quê bạn tiết kiệm được chi phí cơ hội là 2 giờ mỗi ngày đi xe, để thay vào đó bạn đọc sách, rèn luyện tư duy học nhanh, học Tiếng Anh, làm thêm tại nhà.. Bạn càng lớn sẽ càng thấy thời gian quý giá thế nào.

Và nếu bạn có thể khả năng nhanh nhạy nữa, bạn có thể làm việc cho một số công ty ở NƯỚC NGOÀI từ xa (làm ONLINE) để bạn có thu nhập cao hơn trong cùng một khoản thời gian làm việc. “Thế giới phẳng” nay đã “phẳng” hơn nhiều rồi. Chuyện một lập trình viên Việt Nam ngồi ở nhà làm cho công ty của Mỹ, được trả tiền ĐÔ LA MỸ và mua cơm mua gạo ở quê với TIỀN VIỆT là chuyện không phải xa lạ. Chuyện một Marketer chạy quảng cáo thuê cho công ty ở Malaysia là chuyện không phải hiếm gặp.

Đã có nhiều quyển sách đã bàn về chủ đề LÀM VIỆC TRỰC TUYẾN này nên tôi không nhắc ở đây sâu. Nhưng bạn cứ hiểu rằng, chúng ta càng ngày càng muốn nhiều thời gian hơn chứ đôi khi không phải nhiều thu nhập hơn. Phong trào “chill chill” ý nghĩa là muốn được linh động, thoát ra khỏi 4 bức tường ở sở làm là vậy.

Chung quy lại, với đặc điểm thứ tư của tính LINH ĐỘNG, QUYỀN ĐƯỢC CHỌN LỰA làm việc ở đâu, và vào thời gian thế nào thì GIÁ TRỊ THU NHẬP TƯƠNG ĐỐI của bạn sẽ tăng lên.

Nói tóm lại: học IT thì độ LINH ĐỘNG cao hơn rất rất nhiều so với học kế toán ở cả 4 đặc điểm. Độ LNH ĐỘNG là đặc điểm vô cùng quan trọng nhưng chẳng ai gọi tên nó ra cả. Chưa có ai ĐƠN GIẢN HÓA đủ để bạn hiểu cả.

Quay trở lại yếu tố đầu tiên để chọn ngành nghề: THU NHẬP. Ngành nào có thu nhập cao hơn?

Dù bạn có đọc báo cáo nào đi nữa thì thu nhập trung bình của lập trình viên luôn luôn cao hơn các bạn kế toán viên.

Vậy giả sử như bạn thích cả 2 ngành IT và kế toán, bạn sẽ chọn ngành IT đúng không?

Tất nhiên.

Và để phổ quát hơn, TIM vẽ ra cho bạn một ma trận 2×2 để bạn tự định hướng cho mình

MA TRẬN HƯỚNG NGHIỆP T.I.M CỦA TIM VŨ

Đây là ma trận T.I.M (Targeted Income & Mobility), là ma trận 2×2 phổ quát hóa các ngành nghề trong xã hội dựa trên 2 yếu tố quan trọng nhất là THU NHẬP (trung bình) và tính LINH ĐỘNG.

T.I.M (Targeted Income & Mobility) cũng chính là thước đo thành công của NEW YOUNG

Từ 2 yếu tố này, ta tạm phân chia tất cả các ngành nghề thành 4 nhóm chính với các ngành nghề điển hình (như hình)

1.   Linh động cao, thu nhập thấp. Ví dụ: báo chí, toán ứng dụng, sư phạm Lý

2.   Linh động cao, thu nhập cao. Ví dụ: Marketing, IT, Logistics

3.   Linh động thấp, thu nhập cao: dầu khí, hàng không vũ trụ, năng lượng nguyên tử.

4.   Linh động thấp, thu nhập thấp: kế toán, lưu trữ học, Dược sĩ nghiên cứu.

Theo tính phổ quát của nguyên lý 80/20, có 20% ngành nghề trong xã hội sẽ tạo 80% thu nhập. Đó là 20% nào?

Để dễ khái quát, giả sử như số ngành nghề trong xã hội chia đều cho 4 ô trong ma trận T.I.M thì bạn nghĩ cái 20/80 là góc phần tư nào??

Ồ tuyệt quá. Góc phần tư thứ 2: linh động cao và thu nhập cao đúng không?

Có một lưu ý nhỏ là ma trận T.I.M đúng ở mặt vĩ mô cả thị trường lao động và cũng đúng với vị trí ngành nghề trong từng lĩnh vực.

VÍ DỤ NGÀNH DẦU KHÍ:

Lúc trước tôi học Dầu Khí, ngành tính linh động thấp và thu nhập cao (ô số 3). Tuy nhiên trong nội bộ ngành dầu khí, có nhiều lĩnh vực/chuyên môn nhỏ hơn. Tôi tìm ra được là vị trí kỹ sư mỏ (Reservoir Engineer) có độ linh động cao hơn rất nhiều so với vị trí kỹ sư khoan (Drilling Engineer) mà thu nhập trung bình cũng không kém gì. Vì sao?

–          Nếu theo con đường Drilling, bạn bắt buộc phải làm một thằng nhân công cơ khí không hơn không kém ở ngoài giàn khoan: vác ống, tháo-rắp ống,… sử dụng sức lao động tay chân nhiều…. trong ít nhất 2-5 năm! Tất nhiên, khả năng sử dụng KIẾN THỨC trong trường ít hơn rất nhiều so với vị trí Reservoir. Chưa kể là vì thuần túy về công nghệ hơn nên kiến thức học về Khoan sẽ hay thay đổi hơn kiến thức Reservoir

–          Kiến thức tôi học được từ chuyên môn Reservoir đã cho tôi nhiều transferable skill để tôi học các ngành nghề khác rất nhiều: khả năng sử dụng máy tính cấp độ cao, technical English, tư duy hệ thống,…

–          Nhu cầu tuyển Vị trí Reservoir thì ổn định hơn so với vị trí Khoan, vì Khoan thì phải khi Dầu Khí được giá thì họ mới tuyển nhiều người làm còn không thì họ cắt thẳng tay

–          Nếu tôi làm giỏi, tôi có thể làm cho các công ty tư vấn, làm việc với thời gian và quy chế tự do hơn (có thể làm việc tại nhà vì làm việc với máy tính là chủ yếu). Và tất nhiên, nếu tôi có chuyên môn tốt, uy tín trong cộng đồng Dầu Khí, có nhiều mối quan hệ, tôi có thể mở công ty tư vấn riêng. Vôn điều kiện để mở công ty tư vấn thì nhỏ hơn TRĂM NGHÌN lần vốn mở các công ty khoan hay khai thác Dầu (cả trăm đến cả nghìn tỷ ĐÔ LA). Cả 3 người thầy Mentor trong ngành Dầu Khí của tôi đều đi theo con đường này, bạn nghĩ là ngẫu nhiên hay là công thức thành công trong ngành này là vậy? Thế nếu bạn là tôi thì bạn sẽ modeling hay tự sáng tạo ra cách đi cho riêng mình?

Nói tới đây, bạn đã liên kết được tới việc tại sao trong 5 chuyên môn nhỏ của Dầu Khí (Đọc thêm: Tôi đã học Thạc sĩ từ năm 2 như thế nào) tôi chọn môn Địa Thống Kê, chọn phần mềm Petrel và chuyên môn Reservoir Engineer chưa? Nói tới đây bạn thấy sức mạnh của việc có thầy mentor của tôi chưa, đã định hướng cho tôi từ khi tôi chưa còn biết “mô-tê” chữ gì về Dầu Khí cả!

VÍ  DỤ NGÀNH Y DƯỢC

Nói ngành Dầu khí hoài bạn thấy chán quá đúng không? Chọn ngành dễ hơn là nhóm ngành Y Dược nha.

Giữa học ngành thí nghiệm và bác sĩ đa khoa, cái nào độ linh động cao hơn. À rõ ràng nhận thấy là bác sĩ:

–          Bạn đi làm lương cao hơn, vì vị trí có lương cao thường là làm ở các công ty nước ngoài. Mà vị trí thí nghiệm thì chỉ làm việc cho các viện nghiên cứu của nhà nước như Viện Pasteur Tp.HCM thôi mà công ty nhà nước thì lương rất bèo bọt.

–          Bạn muốn ra mở phòng khám tư, dù ở thành phố hay ở quê, với bác sĩ đa khoa, bạn chỉ cần một ống nghe, lắp vài bức tường, đầu tư vài triệu-vài chục triệu là đã “lấy tiền thiên hạ” rồi. Còn học thí nghiệm, bạn không thể tự doanh bằng cách mở cả một cái viện Pasteur để nghiên cứu về Corona được!

Và nếu đi sâu hơn nữa, giữa 4 chuyên khoa ngành bác sĩ (nghĩa là học chuyên sâu hơn của bác sĩ đa khoa): tim mạch, răng-hàm-mặt, X-quang, phụ sản,… thì chuyên khoa nào độ linh động cao hơn?

Bạn thử xét về vốn đầu tư kinh doanh cho một bộ máy làm rang của nha sĩ, máy X-quang, thiết bị đỡ đẻ hay máy khám tim thì bạn tự hiểu được.

Dù là đọc cùng lời thề Hippocrates* khi tốt nghiệp, nhưng có lẽ Nha sĩ thì chỉ cần đầu tư vài trăm triệu là đã mở phòng khám tư rồi chứ không cần vài tỷ như bác sĩ X-Quang. Tóm lại là Nha sĩ tính linh động cao hơn.

Nói tóm lại, độ linh động rất đa dạng trong mỗi ngành nghề. Và các ngành nghề độ linh động cũng rất khác nhau. Tôi chỉ đưa ra 2 ví dụ để bạn tự suy luận ra trong ngành nghề của mình.

Và để giúp bạn sử dụng ma trận T.I.M này tốt nhất, tôi sẽ viết một bài blog khác hướng dẫn bạn 3 bước để áp dụng chi tiết nhé cho bạn sau nhé ^^

6 thoughts on “MA TRẬN HƯỚNG NGHIỆP T.I.M CỦA TIM VŨ

  1. Nguyễn Xuân Hậu says:

    Em có hai điều muốn hỏi anh Tim, mong sớm được hồi âm của anh ạ
    Thứ nhất là em thấy ngành IT bây giờ có lẽ đã khá bão hòa rồi ạ, dù em rất thích IT nhưng bây giờ 10 bạn học ban A thì hết 7 bạn học IT rùi với giờ thêm sự ra đời mới của chat gpt nữa nên tính cạnh tranh và mức độ đào thải cũng rất cao , nghĩa là mình phải rất rất rất giỏi, siêu giỏi luôn, kiểu kiểu đôi khi mình phải chấp nhận thực tế mình cố gắng đánh đổi như sức khỏe, thời gian, mối quan hệ nên em thấy đắn đo lắm ạ
    Thứ hai là vừa hay em đăng ký học ngành xét nghiệm luôn =))))) em 2k5 ạ và nói thật làm em cũng hoang mang lắm, trước khi xem bài viết của anh Tim em đã bắt đầu ôn tập lại để bắt đầu thi lại vào năm sau vì hết năm sau bộ giáo dục cải cách lại ra đề thi mới, nên em cũng muốn thử thi lại nhưng nghe anh Tim nói vậy xong trong em cũng có không ít sự tiêu cực ấy:( nói vậy thì có lẽ em phải nghiêm túc hơn với việc thi lại từ bây giờ thôi, em cảm ơn anh Tim nhiều lắm ạ.
    Ngoài lề với anh Tim ạ, hồi đầu năm em thích công nghệ thông tin lắm, đầu năm lớp 12 em đã tính vừa học cả ban B ( hóa sinh ) và ban A (toán lý hóa ) …. Nhưng giữa năm vì quá tải nên em buông ban A và tính học ban B sống cho an nhàn thôi rồi giữa học kì 2 em lại lái sang ban A nữa do đã quá muộn rồi ấy , em cũng bị mẹ phản đối, thậm chí mẹ em đã khóc và đó là lần đầu tiên trong đời mẹ không nói chuyện với em nữa nên em mới quay lại học ban B để cố gắng thi, kết quả thì đủ điểm vô xét nghiệm y dược thành phố thôi , lúc đầu em cũng khá vui nhưng giờ em mông lung lắm , mong sớm nhận được hồi âm của anh ạ , rất mong lun í ạ >.<

    • Tim Vũ says:

      Hi Hậu,

      Tin vui đầu tiên là em hoang mang & mông lung. Trăn trở về tương lai là tốt
      Vì em nhận ra có gì đó sai sai.

      Nhiều người đang có vẻ yên ổn, bình yên,… vì họ đang ko nhận ra là họ đã chọn 1 cái game mà họ thua 99% ngay từ đầu. Mà gần như hết năm 3 Đại học thì mới nhận ra.

      Trong trường hợp của em, thì ít ra IT có vẻ tốt hơn là ngành xét nghiệm.
      Công nghệ không thay thế người giỏi được.
      Trong 4 năm học, nếu đi đúng hướng, em có thể thuộc top 1% sinh viên IT

      Em không đưa ra 1 lời khuyên nào cụ thể được, vì em phải tự đưa ra và tự chịu trách nhiệm với nó.

      Nếu cần, hãy hi sinh 1 năm còn hơn là 4 năm.

      Mong em, mẹ em và gia đình luôn mạnh khoẻ
      Thân mến,

      Tim Vũ

      P/s: Ngành nào cũng tốt đẹp. Cá nhân cân nhắc chọn ngành phù hợp với định hướng và tham vọng của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *