17 CHIẾN THUẬT NETWORKING Ở ĐẠI HỌC

Trong thời gian học đại học, xây dựng mối quan hệ(networking) là vô cùng quan trọng.

Hầu hết chúng ta quá tập trung vào học tập mà quên đi các mối quan hệ. Nếu bạn đã biết cách học tập sau khi đọc blog: VŨ ĐỨC THỊNH – Cựu du học sinh châu Âu chia sẻ công thức HỌC NHANH 3C thì bạn nên rèn luyện nghệ thuật xây dựng mối quan hệ vì nó là đòn bẩy lớn nhất để thành công ở đại học.

Khi còn nhỏ, tôi là một người sống cực kỳ hướng nội, nhút nhát và ít nói. Khi tôi bắt đầu giai đoạn dậy thì năm lớp 9, tôi bắt đầu nhận ra tôi thiệt thòi cực kỳ lớn vì chuyện ít nói của mình. Các bạn nữ ít chơi với tôi, bố mẹ thì không hiểu tôi và ngay cả khi cô giáo la mắng oan tôi cũng không biết trình bày cho hợp lý. Tôi gặp rắc rối trong việc giao thiệp với người khác kể cả những thằng bạn thân, ngay cả lúc chơi đá bóng ở sân cỏ trong xã.

Từ đó, tôi cho mình một quyết tâm phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hướng ngoại hơn và xây dựng nhiều mối quan hệ hơn. Khi lên năm nhất Đại học, tôi càng rèn luyện nhiều hơn nữa. Ngoài nguyên lý cốt lõi học được từ sách Đắc Nhân Tâm, tôi còn học thêm các chiến thuật và kỹ thuật xây dựng mối quan hệ nữa. Tôi nghiêm túc rèn luyện từng bước một vì tôi tin thiên tài ở khía cạnh nào cũng từ 99% sự rèn luyện đúng phương pháp (Đọc thêm: 7 BÍ QUYẾT ĐỂ THÔNG MINH NHƯ THIÊN TÀI)

Dần dần, vòng ảnh hưởng và mối quan hệ của tôi nhiều hơn. Tôi giúp đỡ được nhiều người, và tôi cũng nhờ nhiều người và gặt hái rất nhiều mối quan hệ như 9 học bổng (Đọc thêm TÔI ĐÃ SĂN 9 HỌC BỔNG NHƯ THẾ NÀO?) và du lịch 23 quốc gia của mình (Đọc thêm Tôi đã “du học” 23 quốc gia 0đ như thế nào?).

Năm 3 Đại học, các bạn bè giỏi và Mentor đều nói thấy rõ tôi một điểm mạnh: NETWORKING. Họ nói chắc tôi hướng ngoại từ nhỏ. Còn họ “cha mẹ sinh con trời sinh tính” nên đã hướng nội và ít nói rồi nên “khó sửa”.

Tôi cười.

Đó chỉ là LỰA CHỌN.

Câu chuyện của tôi là thế đấy. Và trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn 17 chiến thuật mà tôi liên tục rèn luyện, qua những ví dụ của thể của tôi để bạn dễ hiểu để bạn dần hướng ngoại hơn, nhiều mối quan hệ chất lượng hơn ở Đại học nhé.

1. CHIA SẺ

CHIẾN LƯỢC để xây dựng mối quan hệ dài hạn và chất lượng chính là gia tăng GIÁ TRỊ cho người khác.

Cách đơn giản nhất để gia tăng giá trị đó là chia sẻ điều hay đến nhiều người. Vậy nên, tôi luôn cố gắng chia sẻ qua với NHIỀU người trong mọi tình huống qua việc thuyết trình, diễn thuyết hay viết lách.

Tất nhiên, tôi là đứa bản năng nói chưa hay, tôi bắt đầu từng bước một. Tôi bắt đầu với việc xung phong phát biểu trong lớp trong mọi môn học, đứng trước bục giảng trình bày một kiến thức nào đó trong lớp học của tôi khi thầy cô hỏi. Tôi giành phần thuyết trình chính trong mọi BÀI TẬP LỚN của từng môn. Tôi kiên quyết rèn luyện.

Lên năm hai đại học, để được làm trợ giảng, tôi quyết tâm học vượt kiến thức của năm ba, năm tư và cả Thạc Sĩ (Đọc thêm: Tôi đã học THẠC SĨ khi còn năm 2 như thế nào). Theo công thức học nhanh của Jim Kwik, điều này giúp tôi HỌC NHANH hơn nhiều.

Đây là chiến lược dài hạn để tôi có nhiều giá trị hơn người khác. Càng diễn thuyết nhiều thì cơ hội sẽ mở ra càng nhiều.

Nếu bạn chưa có cơ hội để diễn thuyết trước đám đông, bạn có thể chia sẻ những bài học mà bạn đọc được từ những cuốn sách nào đó, từ những trang web trên mạng hoặc viết review sách cho một nhóm facebook, thậm chí là chia sẻ với 3-4 đứa bạn của mình.

Hãy nhớ, tôi sinh ra là đứa hướng nội và nói dở. Tôi là do rèn luyện mà thành. Tôi nghĩ lớn và bắt đầu nhỏ.

Tôi trong một buổi chia sẻ với các bạn trong trường khi tôi học năm 3

2. RELATIONSHIP ACTION PLAN

Các mối quan hệ là CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN. Lỗi phổ biến nhất của chúng ta là khi cần mới đi nhờ vả ai đó. Những người “có não” họ chỉ nhìn qua một chút là họ biết bạn muốn gì ngay. Vậy nên, Harvey Mackay mới nói là “Đào giếng trước khi khát là vậy”.

Chúng ta phải nghiêm túc xây dựng mối quan hệ từ sớm TRƯỚC KHI CẦN ĐẾN. Chúng ta phải nghiêm túc có một KẾ HOẠCH XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ (Relationship Action Plan).

Khi bạn hòa nhập bất kì một môi trường mới nào, bạn cần có một kế hoạch để xây dựng mối quan hệ ngay từ sớm với mọi người, đặc biệt khi mình là “ma mới”. Môi trường mới có thể là câu lạc bộ, lớp học ngoại khóa, trường học hay công ty mới.

Năm hai, tôi tham gia những dự án tình nguyện và dự án chạy sự kiện của các câu lạc bộ trong trường, tôi luôn tìm cách tạo dựng mối quan hệ với mỗi người bằng cách tìm hiểu, học hỏi từ họ, hiểu được cá tính của mỗi người và đặc biệt là nhớ tên mỗi người.

Tôi cũng lên kế hoạch để có được những mentor chất lượng (chiến thuật #16 bên dưới)

Khi đi du học ở Châu Âu, khi đi qua 17 quốc gia, tôi luôn học hỏi từng nền văn hóa và chủ động kết nối với bạn bè ở mỗi nơi kể cả bạn quốc tế lẫn bạn Việt ở xứ người.

Trong hình ảnh có thể có: 8 người, bao gồm Diệp Linh Bùi và Phạm Nguyên Trình, mọi người đang cười
Tôi và cộng đồng người Việt tại Barcelona

Tôi học Dầu Khí Bách Khoa, nên tôi đã chủ động xây dựng mạng lưới bạn bè và anh chị đi làm trong ngành rất tốt. Vì là chiến lược dài hạn, tôi networking thường xuyên qua các sự kiện, hẹn gặp cafe riêng,…

Khi đi du học về nước, tôi chuyển hướng sang làm việc trong ngành Logistics (Đọc thêm: Tại sao tôi LÀM TRÁI NGÀNH?). Khi chân ướt chân ráo vào trong ngành này, tôi lên kế hoạch nghiêm túc từ đầu để xây dựng mối quan hệ cho mình. Tôi bắt đầu với việc vẽ ra bộ máy nhân sự của công ty mà tôi mới vào làm. Tôi tham gia mọi hoạt động thể thao trong mọi phòng ban của công ty sau giờ làm, dù buổi tối tôi phải về nhà lúc 9pm và làm việc tận 11pm khuya mới ngủ.

Tôi học tên và điểm mạnh chuyên môn của từng người trong công ty, nhớ tên của họ và hẹn cafe riêng với những người giỏi nhất. Tôi còn năng nổ đi gặp gỡ những người cùng ngành nghề trong các công ty khác dịp cuối tuần.

Tôi luôn làm theo RELATIONSHIP ACTION PLAN mà tôi đã hoạch định từ trước. Để khi tôi cần nhờ ai giúp đỡ gì đó, mọi việc dễ hơn rất nhiều.

3. KHỞI XƯỚNG MỘT DỰ ÁN

Hãy cố gắng khởi xướng một dự án mới trong trường/công ty của chúng ta. Bởi vì, khi là người ĐỨNG ĐẦU dù là của dự án nhỏ nhất, ta được ưu tiên để nói chuyện với những người có thẩm quyền.

Ta có LÝ DO để tạo những mối quan hệ với đúng người ta ngưỡng mộ.

Khi tôi mới đi các chương trình quốc tế về, tôi đề xuất với chủ nhiệm khoa để tôi chia sẻ vể những bài học tôi làm được qua các seminar của khoa.

Khi khoa tôi có du học sinh nước ngoài đến học trao đổi, tôi xung phong đề xuất với chủ nhiệm các bộ môn (cả bộ môn tôi không liên quan) để take care (hỗ trợ) các bạn nước ngoài ấy. Lúc thì bạn Châu Á, bạn Nhật, đôi khi là bạn Châu Phi.

4. TÁO BẠO

Cơ hội của bạn tỉ lệ thuận với số lượng mối quan hệ của bạn. Bạn càng quen biết với nhiều người có quyền lực, nổi tiếng thì bạn càng có nhiều cơ hội hơn. Chúng ta nên có nhiều mối quan hệ như vậy. 

Nhiều bạn sinh viên than rằng mình không có cơ hội để gặp các anh chị/thầy cô giỏi. Giống như việc chúng ta than rằng ta thiếu thời gian vậy. Chúng ta dư dả thời gian nhưng ta cứ chạy theo hiệu suất chứ do chưa biết dùng chúng hiệu quả

Thật ra chúng ta có thừa cơ hội để gặp anh chị giỏi, nhưng vì chúng ta quá sợ hãi. Tôi cũng thế, cho đến khi tôi được truyền cảm hứng bởi một người bạn cấp 3 cũ của tôi. Bạn ấy dám bắt chuyện với Phó hiệu trưởng của trường bạn ấy.

Vậy nên, tôi nghĩ rằng tôi phải dám táo bạo để bắt chuyện với thầy cô và người lớn hơn. Tôi tranh thủ mọi cơ hội để “xông đến” bắt tay, tự giới thiệu bản thân (theo mẫu đã học trước) và tự tin trao đổi với họ. Tôi rất run, nhưng tôi vẫn hành động. Khi càng thực hành, tôi càng nhận ra rằng điều này đơn giản hơn rất nhiều.

Tất nhiên, khi táo bạo gặp họ rồi, thì bạn phải hết sức nhã nhặn khi nói chuyện và luôn lắng nghe, đặt câu hỏi. Tôi sẵn sàng viết Email cho những thầy cô mới quen (tất nhiên tôi phải học cách viết Email đúng chuẩn!).

Năm nhất Đại học, networking với cô giáo dạy Vật Lý.

5. NHÂN BẢN CUỘC GẶP

Bởi vì chúng ta không có nhiều thời gian, không thể hẹn gặp 1:1 với từng người. Vì vậy chúng ta có thể hẹn gặp cùng lúc với nhiều người, đồng thời bạn sẽ kết nối được những mối quan hệ này với nhau. 

Lúc trước khi học đại học tôi đã có cơ hội gặp được hầu hết những anh chị giỏi nhất về dầu khí của tất cả các trường dạy về dầu khí trong nước. Nên khi mỗi lần tôi đến trường nào ở đâu tôi đều đặt lịch hẹn với họ, 2-3 người cùng một lúc để tận dụng thời gian học hỏi họ. 

Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào mục tiêu của bạn với những mối quan hệ này như thế nào nữa. Nếu bạn muốn thân thiết với họ thì bạn nên gặp 1:1, ở mức độ xã giao bình thường thì có thể hẹn gặp 2-3 người. 

Trong hình ảnh có thể có: 8 người, bao gồm Vũ Đức Thịnh và Nguyễn Vũ, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà
Tôi và các sinh viên Dầu Khí top đầu của trường Đại học Mỏ Địa Chất, trong một chuyến du lịch bụi ra Hà Nội

6. TÌM ĐIỂM CHUNG

Thế khi bắt chuyện với họ rồi thì nói gì nhỉ?

Những mối quan hệ có bền chặt lâu dài với nhau đều phụ thuộc vào những điểm chung này. Bất kể là điểm chung gì, ta đều kết nối với nhau nhanh hơn và sâu hơn. Điểm chung mà dễ nói chuyện với nhau nhất là sở thích. 

Một mẹo nhỏ đó là nếu bạn muốn có những mối quan hệ chất lượng nhanh thì nên có những buổi deep talk, chỉ cần một vài giờ nói chuyện bộc bạch, chân thành với nhau về những sở thích chung, thì bạn tạo được lòng tin và sự thân thiết với người khác. Và từ khóa cuối cùng chính là: chân thành và mở lòng. 

7. GẶP GỠ SÂU 2 PHÚT

Tìm điểm chung chỉ mới là nguyên tắc căn bản. Nếu bạn muốn trở thành người kết nối chuyên nghiệp như các tổng thống, bạn cần rèn luyện kỹ năng kết nối nhanh (và sâu) trong vòng 2 phút. Đặc biệt, trong những buổi networking, nếu bạn muốn kết nối với nhiều người thì kỹ thuật này thật sự thú vị.

Bạn dành 2 phút cho mỗi người để kết nối với họ, vừa đủ để bạn hẹn gặp cafe riêng sau đó.

Bí quyết của tôi là:

1/ BẮT TAY:

Khi gặp ai đó, tôi chủ động bắt tay với họ ngay, kèm theo một nụ cười tự tin và nhẹ nhàng. Tôi muốn tạo ấn tượng đặc biệt trong 6 giây đầu tiên với bất cứ ai tôi bắt tay lần đầu. Cái bắt tay cũng cần được rèn luyện. Chẳng hạn. Khi bắt tay, tôi chạm nhẹ khuỷu tay của họ. Đây là một mẹo tuyệt vời trong tâm lý học để tôi kết nối nhanh-sâu với người khác. Họ thấy tôi dễ gần đôi khi không hiểu tại sao, hihi

2/ GIAO TIẾP BẰNG MẮT:

Khi nói chuyện với ai đó, dù là 2 phút hay 10 phút, bạn hãy tập trung 101% tâm trí, con tim của bạn vào mắt của họ. Hãy giao tiếp bằng mắt.

Hãy lắng nghe họ chăm chú, đặt một vài câu hỏi cá nhân ra ngoài phạm vi công việc hoặc sự kiện ngày hôm đấy. Tôi cũng có thể hỏi một LỜI KHUYÊN từ họ liên quan đến điều gì đó mà họ rất tự hào.

Ví dụ, khi bạn đi gặp gỡ với các công ty, bạn có thể hỏi họ những câu hỏi liên quan về gia đình, sở thích của họ, trường Đại học mà trước đây họ du học. Bạn hãy hỏi họ về những điểm chung. Và đặc biệt, hãy chân thành chia sẻ về sự dễ bị tổn thương của bạn. Đây là tâm lý học khiến người khác quan tâm bạn ngay tức thì (Ted Talk: Power of Vulnerability).

3/ NHẮC NHỞ TÊN:

Tên là âm thanh mà họ muốn nghe nhất. Vậy nên, hãy hỏi, hãy nhắc tên của họ nhiều lần trong buổi gặp mặt. Quy tắc của tôi là nhắc tên 3 lần, tận dụng mọi trường hợp để NHẮC TÊN của họ. Họ thì muốn nghe, còn tôi thì muốn NHẮC nhiều lần để tôi NHỚ. Tôi còn không ngại yêu cầu họ ghi tên của họ ra cho tôi nữa cơ.

Khi tham dự các chương trình quốc tế, tôi là thằng hơi bị dị dị. Tôi đi vòng quanh, networking 2 phút nhanh với họ và yêu cầu họ viết tên của họ vào. Tôi còn ghi thêm thông tin của họ vào để tôi dễ nhớ KHUÔN MẶT và TÊN CỦA HỌ, chẳng hạn bạn số 7 bị “lé kim” tôi ghi vào luôn :)))

8. GIỮ LIÊN LẠC 24h

Khi bạn táo bạo trong các sự kiện networking, bạn có nhiều mối liên lạc qua email/số điện thoại/nick facebook.

Tuy nhiên, sau buổi gặp mặt bạn lại không liên lạc với họ thì điều này sẽ dẫn đến việc “mất” mối quan hệ. Theo sơ đồ trí nhớ, nếu bạn không nhắc nhở họ về bạn trong vòng 24h đầu tiên, 80% họ chẳng nhớ bạn là ai nữa.

Học từ vựng với phần mềm Anki – Varonet – Hội du học sinh Việt Nam ...
Thông tin mới quên 80% sau 1 ngày tiếp nhận. (Nguồn: aichi-varonet.com)

Vậy nên, tôi thường viết email hay nhắn tin Facebook với họ để nhắc nhớ về tôi. Cách thông minh là tôi thường chụp ảnh họ và tôi trong buổi gặp gỡ, rồi gởi lại họ qua email/tin nhắn. Gởi hình ảnh là LÝ DO tuyệt vời để ta giữ liên lạc với ai đó trong 24h

Và sau sự kiện tôi sẽ giữ liên lạc với từng người trong danh bạ điện thoại mới, trong cuốn Journal và thậm chí file Excel máy tính!

9. KẾT NỐI NGƯỜI NỐI KẾT

Trong xã hội của mình có rất nhiều người có nhiều mối quan hệ hơn những người khác. Vậy nên chiến thuật để bạn kết nối nhanh và nhiều hơn đó là hãy kết nối với những người nối kết. Họ là những người có nhiều mối quan hệ sẵn (chẳng hạn như tôi ^^). Từ đó họ sẽ môi giới các mối quan hệ khác cho ta nhanh và tối ưu hơn. 

Những người nối kết trong các trường đại học thường là những người chủ tịch, phó chủ tịch của những câu lạc bộ. Ngoài trường thì là những người HR, các nhà đầu tư, các nhà gây quỹ cộng đồng, làm việc cho tổ chức phi chính phủ, bởi vì bản chất công việc nên họ biết rất nhiều mối quan hệ và công ty.

Bạn cũng phải đa dạng hóa các mối quan hệ của mình, hãy kết nối với những người khác ngành của mình. Bởi vì khi ta có nhiều nhóm bạn khác nhau như vậy thì sự sáng tạo thông tin và khả năng giúp đỡ hỗ trợ nhau sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. 

Việc kết nối nhiều người khác lĩnh vực sẽ giúp bạn dễ làm chiến thuật tiếp theo.

10. MÔI GIỚI XÃ HỘI

Hãy nhớ: con người luôn muốn được kết nối với người khác.

Quy tắc 20/80 của chiến lược tạo mối quan hệ đó là gia tăng giá trị cho người khác. Nên việc giúp họ về những khía cạnh trên, bạn có thể giới thiệu cho họ thêm những mối quan hệ khác, tư vấn thêm cho họ những thứ mà họ cần để tăng thêm giá trị cho người khác. 

Rộng rãi giới thiệu bạn bè của tôi cho nhau là một cách tôi phóng rộng network của mình.

Tôi hẹn các anh chị từ nhiều trường/công ty khác nhau đi Coffee House và “môi giới” họ với nhau

11. SỨC KHỎE, CỦA CẢI VÀ CON CÁI

Con người sẽ quan tâm ba điều cơ bản: sức khỏe, của cải và con cái. Khi kết nối với những người lớn tuổi hơn, tôi luôn chú tâm vào ba điều này nhất để làm sao tư vấn cho họ về những khía cạnh này. Về lâu dài thì bạn có thể kết nối với họ rất tốt. 

Tôi chia sẻ cho họ về dinh dưỡng học và cách để có sức khỏe khỏe mạnh (Đọc thêm: Hướng dẫn A->Z để bạn khỏe mạnh (như một vận động viên). Tôi học tên từng đứa con của các thầy trong trường Đại học mà tôi thân. Tôi quan tâm về doanh nghiệp làm ngoài của họ nữa. Nếu tôi có ý tưởng gì hay, tôi chia sẻ với họ.

12. THIẾT YẾU LÀ QUYỀN LỰC

Khi ai đó cần bạn, bạn đang có quyền lực “mềm” với họ. Đặc biệt, khi cái giá trị bạn mang đến cho họ bạn là duy nhất (chiến thuật tiếp theo). Vậy nên, hãy luôn cố gắng trở nên cực kỳ quan trọng với những người quan trọng.

Ngày trước tôi làm trợ giảng cho các giáo sư Dầu Khí nước ngoài trong khoa của tôi. Chỉ có tôi làm được.

Khi có 2 giáo sư từ trướng bên UK về, tận trưởng khoa của tôi gọi tôi để take care 2 giáo sư ấy. Khi ta HỮU ÍCH với người khác, ta có quyền lực mềm lên họ.

13. GIÁ TRỊ DUY NHẤT (USP)

20/80 để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp là gia tăng giá trị.

Thế theo tư duy CHIA-CHỌN-CHUỖI, bước chuỗi chính là gia tăng những giá trị mà tôi là độc nhất, có lợi thế cạnh tranh cao nhất.

Tôi áp dụng điều này vào triệt để mọi khía cạnh. Chẳng hạn, khi nộp học bổng, tôi tập trung vào các USP Story to Contribution của mình (Đọc thêm: TÔI ĐÃ SĂN 9 HỌC BỔNG NHƯ THẾ NÀO?)

Một lần nữa, khi bạn có cái gì đó mà người khác cần mà ít người có, bạn có quyền lực thật sự, dù nó “mềm”.  

14. PERSONAL BRAND

Thương hiệu cá nhân (Personal Brand) của bạn có nghĩa là điều mà người khác sẽ nói về bạn như thế nào. Khi bạn kết nối nhiều, thì những người bạn gặp có thể nói về bạn cho người khác. Vậy nên, bạn cần đối xử với mọi người theo đúng con người thật của bạn. Hay nói cách khác, để xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả, bạn hãy nhất quán thương hiệu của mình. 

Bạn hãy nhất quán từ ngoại hình, phong cách nói chuyện. Đặc biệt, trong thời đại thông tin hôm nay, xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội lại càng quan trọng.

Bạn hãy thể hiện sự nhất quán qua những bức hình đại diện trên TẤT CẢ mạng xã hội, trên dòng mô tả trên Facebook, trên từng bài viết của bạn.

Bật mí, đó là lý do tại sao bạn thấy tôi khi nào cũng mang áo màu đỏ, quần đen là vậy 

15. TIỆC TỐI TẠI NHÀ

Làm quen với nhiều người, qua Facebook hoặc đi cafe với họ, đã là tốt. Và tốt hơn, bạn có thể mời những người mình muốn đào sâu mối quan hệ hơn về nhà của mình để tổ chức tiệc với nhau. Việc này sẽ giúp bạn vừa nhân bản được nhiều mối quan hệ (chiến thuật #5) mà còn có những buổi gặp gỡ RẤT SÂU (Deep talk) để gắn kết mối quan hệ chặt chẽ hơn nhiều lần. 

16. MENTOR

“Không có chiến lược nào tốt hơn là chiến lược người đỡ đầu.” – Sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình”

Khi tôi lần đầu tiên đọc câu nói này, nó đã thúc đầy tôi dữ dội.

Đây là một chiến lược bất bại. Bởi vì những người thành công, học nhanh và phát triển bản thân mạnh mẽ đều có những mentor cho mình. Mentor sẽ giúp bạn đưa ra những lời khuyên hữu ích để bạn ít tốn thời gian hơn và thay đổi cục diện hoàn toàn. Tuy nhiên bạn phải thực sự cố gắng thì mới có thể tìm ra người mentor chân chính của mình. 

Nếu như bạn đã đọc quyển E-book của tôi, bạn đã thấy tôi phải “nhục mặt” nhiều lần thế nào để có được Mentor chủ lực. Và tất nhiên, phần thưởng rất xứng đáng như bạn đã thấy

Tôi và một Mentor – một giáo sư người Úc – một CEO triệu phú!

17. ƯU TIÊN 20/80

Có thể bạn nghĩ: 16 chiến thuật trên đây hơi thực dụng? Đúng, tôi khá là thực dụng.

Nó giống như quy tắc 20/80, tôi thực dụng để HỌC ÍT ĐƯỢC NHIỀU.

Trong các mối quan hệ cũng thế. Tôi luôn tập trung vào các mối quan mà tôi “được lợi” nhiều nhất để tôi nỗ lực ít mà được NHIỀU. Tôi luôn tư duy LỆCH.

Vây đố bạn, mối quan hệ 20/80 của tôi là ai?

Tôi không biết.

Tôi chỉ biết mối quan hệ 1/99 của mình là…

GIA ĐÌNH.

Gia đình đối với tôi quan trọng hơn hết. Và tất nhiên, vì nó quan trọng, tôi dành công sức cho nó nhiều hơn.

Nhiều người muốn có nhiều mối quan hệ, đi networking tùm lum nhưng lại quên mất những mối quan hệ cốt lõi: GIA ĐÌNH.

Thay vì gọi điện thoại cho bố mẹ mỗi tuần như đa số bạn bè của tôi, tôi gọi mỗi ngày. Thay vì cân bằng chuyện yêu với chuyện học, tôi đầu tư nhiều trong chuyện tình cảm

Tôi yêu gia đình. Tôi biết bạn cũng vậy. Tuy nhiên, bạn có đang tư duy 20/80 trong mối quan hệ không?

Bạn có đang ưu tiên “networking” với người quan trọng với cuộc đời của bạn.

Đây cũng chính là thông điệp quan trọng nhất của bài học 17 chiến thuật này. Hãy cố gắng trân trọng những gì bạn có để tiến tới những gì bạn muốn.

Và hãy nhớ, mối quan hệ là đòn bẩy lớn nhất ở Đại học.

Hãy đào giếng trước khi khát. Hãy bắt đầu networking nhiều hơn từ HÔM NAY.

Tôi chúc bạn có nhiều mối quan hệ thật đẹp ở Đại học.

P/s: Đọc thêm bài viết: Tư duy NETWORKINGvideo kỹ năng networking với người lạ

3 thoughts on “17 CHIẾN THUẬT NETWORKING Ở ĐẠI HỌC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *